Cựu chiến binh sống trong lều hoang: Dùng đèn dầu thắp sáng, nhặt ve chai nuôi vợ tâm thần

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Lê Công Lâm phải sống cùng vợ và con trong túp lều hoang ở giữa Hà Nội, hàng ngày ông đi nhặt ve chai và đào sắn nuôi người vợ bị tâm thần.
Cựu chiến binh sống trong lều hoang: Dùng đèn dầu thắp sáng, nhặt ve chai nuôi vợ tâm thần
“Ngôi nhà“ của gia đình ông Lê Công Lâm

Khó ai có thể tin được giữa thủ đô phồn hoa lại có một gia đình sống nguyên thủy như nhà ông Lê Công Lâm. Không điện, nước, không có một mái nhà đúng nghĩa. Dù năm nay đã 62 tuổi, hằng ngày ông Lâm vẫn phải đi nhặt ve chai, phế liệu để trang trải từng bữa ăn qua ngày.

Cuộc sống "nguyên thủy" giữa lòng Hà Nội

Suốt hơn 15 năm qua, gia đình ông Lâm phải sống nhờ vào khu đất hoang, xung quanh chỉ toàn là rác thải, phế liệu ngổn ngang. Không có điện cũng không có nước sạch, tất cả sinh hoạt của gia đình ba người chỉ dựa vào sức người. Nơi chui ra chui vào của gia đình ông chỉ là cái túp lều ọp ẹp tự dựng lên bằng những tấm gỗ, mái tôn người ta bỏ đi.

Khi thành phố đã sáng ánh đèn điện, ông Lâm lại lầm lũi thắp chiếc đèn dầu già tương đương tuổi mình. Ánh sáng từ chiếc đèn dầu le lói, chẳng đủ thắp sáng túp lều lụp xụp.

Sống giữa bãi phế liệu, cây cối, bụi rậm um tùm là điều kiện lý tưởng những "vị khách không mời" thường xuất hiện. Không chỉ chuột, bọ mà còn có cả rắn rết, thậm chí có lúc, rắn hổ mang còn bò vào tận giường ngủ. "Có hôm 2 giờ sáng, cả nhà đang ngủ say, tôi bỗng thức giấc vì cứ nghe tiếng phì phì ở dưới chân giường. Thắp cái đèn lên, tôi tá hóa nhìn thấy con rắn hổ mang đang trườn ngay dưới chân vợ mình. Cũng may mà tôi nhanh tay bắt được, không thì chẳng biết giờ này vợ tôi đi từ lúc nào."

Cuộc sống khó khăn càng chồng chất thêm khó khăn khi vào năm 2016, người vợ phải phẫu thuật cắt bỏ khối u gần sườn trái. Tổng viện phí đã mất hơn 50 triệu đồng. Hai năm sau đó, vợ ông bỗng mắc phải căn bệnh tâm thần, chỉ có thể ở nhà đào sắn để bác mang ra chợ bán.

Đào cả buổi chiều được 50 cân sắn mà cũng chỉ có 300 nghìn đồng.

Tài sản lớn nhất của ông Lâm là người con gái sinh năm 2000. Vì nhà nghèo nên em chỉ được học đến lớp 3, sau phải ở nhà trông mẹ bệnh tật, giúp đỡ những việc nhỏ trong nhà. Thỉnh thoảng em cũng theo bố đi nhặt chai lọ, phế liệu mang đi bán. Chính vì hoàn cảnh như vậy, nên mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào ông Lâm. Gánh nặng cuộc sống ngày càng đè trĩu trên vai người đàn ông cả đời lam lũ.

Hằng ngày ông phải đi nhặt ve chai, gom góp từng đồng để lo tiền thuốc men, trang trải từng bữa ăn. Thức ăn cũng chỉ toàn là rau tự trồng, hiếm lắm đĩa thịt mới xuất hiện trên mâm cơm gia đình. Ông cũng trồng thêm sắn, cây chuối, đu đủ,… để đem ra chợ bán.

"Đời nhịn đời"

Vốn sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố mẹ mất từ thuở bé, mấy anh em đều phải tha hương cầu thực. Năm mười sáu tuổi, ông Lâm xung phong đi bộ đội. Nhắc về thời trai trẻ, ông tâm sự: "Hồi đó, xin đi thanh niên xung phong tôi sợ mình không đạt cân nặng, nên lén bỏ hai cục gạch trong túi quần để được đi. Tuổi trẻ mà, hăng hái lắm, không sợ cái gì cả".

Cũng chính thời thanh niên đó, ông Lâm tự xăm châm ngôn lên cánh tay. Nói về dòng chữ "Đời nhịn đời", ông Lâm chia sẻ: "Cuộc đời nó không nhường nhịn mình thì mình đành phải nhịn nó thôi. Tôi chẳng biết mình sống được đến năm bao nhiêu tuổi nhưng miễn còn sống thì tôi còn phải cố gắng, phải lạc quan hơn chứ. Giờ mà mình đầu hàng số phận thì đâu có được."

Giấy tờ luôn được người cựu chiến binh giữ gìn cẩn thận

Giải ngũ rồi chẳng còn nơi để về, ông lang bạt khắp nơi, làm đủ thứ nghề để kiếm sống: từ xách vôi vữa, bốc vác … Chỉ đển khi có tuổi, ông Lâm mới mượn một mảnh đất cạnh bãi rác sâu trong con ngõ Trương Định, dựng túp lều làm nơi che nắng che mưa và đi nhặt phế liệu kiếm sống qua ngày.

Cuộc sống vất vả là thế nhưng bù lại gia đình ông lại tương đối hạnh phúc. Người vợ tuy hay đau ốm, thần kinh không bình thường nhưng lại thương chồng thương con, người con gái cũng ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ. Chính vì vậy nên nụ cười luôn nở trên môi ông.

"Tôi nghĩ, mình cứ sống được như này là vui rồi, còn sức khỏe, còn đi lại được đã là một điều may mắn rồi. Đồng đội tôi có người đã nằm xuống hơn 50 năm rồi, có người không lành lặn trở về nhà. Tôi còn được lành lặn trở về, có vợ, có con. Con bé được cái cũng ngoan ngoãn, nghe lời nên bố mẹ cũng mừng. Nên dù nghèo nhưng tôi vẫn thấy mình sướng."

Nói về đứa con gái, ông Lâm lại có chút buồn. Vì phải nghỉ học từ lớp 3, nên em cũng chẳng được học hành tử tế, chẳng được tiếp xúc xã hội nên em cũng có phần dè dặt khi có người lạ tới. Sống trong túp lều tranh cùng bố mẹ, em nuôi ước mơ trở thành nhà tạo mẫu tóc.

Niềm an ủi đối với cuộc đời ông Lâm có lẽ chính là tình thương của xã hội, xóm làng. Mỗi dịp lễ Tết, chính quyền lại xuống thăm, tặng quà ủng hộ. Nhiều người sống xung quanh cũng thường xuyên ghé chơi, giúp đỡ ít nhiều. Người góp gạo, người cho đồ dùng.

Ông Thanh (60 tuổi), hàng xóm của ông Lâm chia sẻ : "Ông Lâm tốt lắm nên ở đây ai cũng thương cũng quý. Trông ông ấy bé người thế thôi chứ việc gì cũng làm được mà chưa thấy than thở bao giờ, lúc nào cũng chỉ cười cười thế thôi."

Điều trăn trở duy nhất của ông Lâm là về hai người quan trọng nhất trong cuộc đời. Ông chỉ sợ vợ con ốm đau, lỡ mình có "đi" trước thì không biết ai sẽ chăm sóc thay, lỡ một ngày không còn được ở nhờ đây nữa thì gia đình sẽ phải nương tựa nơi đâu…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật