Ngày Quốc tế Người cao tuổi: Khả năng phục hồi và đóng góp của phụ nữ cao tuổi

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chủ đề Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10) năm nay được Liên Hợp Quốc đưa ra là “Khả năng phục hồi và đóng góp của phụ nữ cao tuổi“.
Ngày Quốc tế Người cao tuổi: Khả năng phục hồi và đóng góp của phụ nữ cao tuổi
Ảnh minh họa

Hơn nửa thế giới người cao tuổi là phụ nữ

Đại dịch COVID-19 trong ba năm vừa qua cùng với những thách thức toàn cầu hiện nay đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, tác động sâu sắc đến kinh tế xã hội, môi trường, sức khỏe cuộc sống của người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi.

Thế giới hiện có khoảng 783 triệu người cao tuổi, trong đó phụ nữ cao tuổi khoảng 436 triệu người, chiếm 55,72%. Tuổi thọ trung bình hiện nay là 72 tuổi trong đó nam giới là 70 tuổi và nữ giới là 75 tuổi.

Đến năm 2050, thế giới sẽ có hơn 1,5 tỷ người cao tuổi. Hơn 2/3 dân số cao tuổi thế giới sinh sống tại những nước đang và kém phát triển. Số lượng người cao tuổi sẽ tăng nhanh ở tất cả các khu vực trên thế giới. Mức tăng lớn nhất (312 triệu người) được dự báo ở Đông và Đông Nam Á (tăng từ 261 triệu người vào năm 2019 lên 573 triệu người vào năm 2050). 

Tỷ lệ tăng nhanh nhất là ở Bắc Phi và Tây Á, từ 29 triệu người ở 2019 lên 96 triệu vào năm 2050 (tăng 226%). Mức tăng nhanh thứ hai ở khu vực cận Sahara, châu Phi, nơi dân số từ 65 tuổi trở lên có thể tăng từ 32 triệu người vào năm 2019 lên 101 triệu người vào năm 2050 (218%).

Phụ nữ cao tuổi vẫn luôn có những đóng góp tích cực vào đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa. Tuy nhiên, những đóng góp và kinh nghiệm của họ phần lớn vẫn vô hình và ít được quan tâm hoặc bị giới hạn bởi những rào cản về giới. Sự phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác và giới tính tạo nên những bất bình đẳng mới và làm trầm trọng hơn tình trạng hiện có, bao gồm cả những định kiến tiêu cực.

Phụ nữ cao tuổi là trung tâm

Chủ đề Ngày Quốc tế về Người cao tuổi năm nay là dấu ấn và là lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của phụ nữ cao tuổi trong việc vượt qua đại dịch COVID-19 và những thách thức toàn cầu, những đóng góp vào những giải pháp với khả năng phục hồi và sự kiên cường của hơn nửa thế giới người cao tuổi.

Đây cũng là dịp để xã hội ghi nhận những đóng góp quan trọng của phụ nữ cao tuổi và lắng nghe, thúc đẩy tiếng nói, quan điểm, nhu cầu của phụ nữ cao tuổi trong việc đối thoại chính sách, xây dựng chính sách nhằm tăng cường bảo vệ và thực thi quyền của người cao tuổi nói chung và của phụ nữ cao tuổi nói riêng; tăng cường phản ứng toàn diện đối với các thách thức và thảm họa ở không chỉ ở cấp địa phương, quốc gia mà còn trên toàn cầu nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau.

Phụ nữ cao tuổi có khả năng thiên bẩm về sự dẻo dai, khả năng phục hồi nhất định trước những thách thức của cuộc sống gia đình, xã hội, những cuộc xung đột, đại dịch và những biến đổi của môi trường sống toàn cầu. Tuy nhiên, họ cũng là nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trước những thách thức đó. 

Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các quốc gia thành viên, các cơ quan, tổ chức của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là tổ chức Phụ nữ của Liên Hợp Quốc và các tổ chức xã hội hãy đưa phụ nữ cao tuổi vào trung tâm của tất cả các chính sách, chương trình nghị sự, dự án, hướng tới sự hòa nhập và đảm bảo bình đẳng giới cho người cao tuổi. Hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về tuổi tác!

Ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 1 tháng 10 là Ngày Quốc tế Người cao tuổi (Nghị quyết 45/106). Trước đó (năm 1982), Kế hoạch Hành động Quốc tế Vienna về Già hóa đã được Liên hợp quốc thông qua.

Năm 1991, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nguyên tắc cơ bản về Người cao tuổi (Nhị quyết 46/91). Năm 2002, Liên Hợp Quốc cũng thông qua Kế hoạch Hành động Quốc tế Madrid về Già hóa, nhằm ứng phó với già hóa dân số trong thế kỷ 21 bao gồm cả cơ hội và thách thức cũng như thúc đẩy xây dựng của một xã hội cho mọi lứa tuổi.

Chủ đề qua 10 năm gần đây:

2021: Công bằng số cho mọi lứa tuổi

2020: Đại dịch: Chúng có thay đổi cách chúng ta giải quyết vấn đề tuổi tác và lão hóa không?

2019: Hành trình bình đẳng tuổi

2018: Tuyên dương các nhà vô địch nhân quyền cao tuổi

2017: Bước vào tương lai: Khai thác tài năng, đóng góp và sự tham gia của người cao niên trong xã hội

2016: Đứng vững chống phân biệt tuổi tác

2015: Phát triển bền vững và bao trùm trong xã hội

2014: Không để ai lại phía sau: Thúc đẩy một xã hội cho tất cả

2013: Tương lai chúng ta muốn: Những gì người lớn tuổi đang nói

2012: Tuổi thọ: Định hình tương lai

2011: Thực hiện kế hoạch Madrid + 10: mở rộng các cơ hội và những thách thức của sự lão hóa toàn cầu

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật