“Tuần lễ vàng” khiến người Trung Quốc ngán ngẩm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tuần lễ vàng” dịp Quốc khánh vốn là kỳ nghỉ được người dân Trung Quốc mong đợi, song những hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt và yêu cầu làm bù đang khiến nhiều người bức xúc.
“Tuần lễ vàng” khiến người Trung Quốc ngán ngẩm
Du khách bên ngoài ga tàu ở Bắc Kinh, vào ngày 27/9. Ảnh: Bloomberg.

Kỳ nghỉ “tuần lễ vàng” nhân dịp Quốc khánh 1/10 thường là thời gian dành cho những chuyến du lịch và họp mặt gia đình ở Trung Quốc, theo South China Morning Post.

Tuy nhiên, trong năm nay, các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt khiến nhiều người phải từ bỏ kế hoạch di chuyển. Bên cạnh đó, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần từ 1/10, một số người sẽ phải làm việc trong 7 ngày liên tục.

Nhiều người phàn nàn về kế hoạch này, khiến hashtag “Kỳ nghỉ Quốc khánh: nghỉ ngơi 7 ngày, làm việc 7 ngày liên tiếp”, có giai đoạn leo lên đứng đầu nội dung thịnh hành trên nền tảng mạng xã hội Weibo.

Chủ đề này đã thu hút hơn 600 triệu lượt xem và gần 30.000 người bình luận, tính đến ngày 26/9.

“Thật khó chịu khi nghĩ rằng tôi sẽ phải làm việc không ngừng nghỉ trong 7 ngày liên tục”, một tài khoản Weibo chia sẻ. “Tôi ghét làm việc cuối tuần. Tại sao không nói rằng kỳ nghỉ chỉ có 3 ngày? Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu kéo dài thêm khi chúng ta phải hạn chế đi lại”.

Tuần lễ vàng

Kỳ nghỉ Quốc khánh là một trong 11 dịp nghỉ lễ lớn ở Trung Quốc đại lục. Trong những năm đầu, kỳ nghỉ này kéo dài 3 ngày, sau đó tăng lên 7 ngày từ năm 1999, với tên gọi “tuần lễ vàng”.

Đây là cơ hội để mọi người có những chuyến du lịch dài hơn và thúc đẩy tiêu dùng. Trước đại dịch Covid-19, tuần lễ vàng thường ghi nhận mức tiêu thụ cao kỷ lục trong nhiều năm.

Tuy nhiên, nhiều người sẽ không có trải nghiệm này trong năm nay. Người dân Trung Quốc được khuyến khích nghỉ lễ ở nhà, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron trước thềm Đại hội XX của đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc bắt đầu vào ngày 16/10.

“Sẽ không thực tế nếu đặt nhiều hy vọng vào du lịch trong năm nay”, Liu Simin, thành viên viện Nghiên cứu Tương lai Xã hội Trung Quốc, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.

Ông dự đoán rằng nếu số chuyến đi trong kỳ nghỉ lần này bằng 1/2 số lượng năm 2019, và mức chi tiêu đạt khoảng 30-40% so với các kỳ nghỉ trước đại dịch, đó đã là một kết quả "khá tốt", theo Reuters.

Các cơ quan y tế khuyến khích người dân ở lại thành phố từ ngày 10/9 đến cuối tháng 10. Hành khách đi máy bay, tàu hỏa, phà và xe buýt liên tỉnh được yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ. Ủy ban Y tế Quốc gia cũng kêu gọi những người đi du lịch giữa các tỉnh “tự nguyện” làm xét nghiệm PCR tại điểm đến.

Trong khi đó, ở Bắc Kinh, một số người dân cho biết họ không thể mua vé rời thành phố.

Một trong số đó là ông Liu Meng, 50 tuổi, lao động nhập cư. Ông Liu đã lên kế hoạch đến thăm người mẹ ốm yếu ở Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, nhưng không có vé tàu. Ông cũng không đủ khả năng đi máy bay.

“Tôi không tin vé hết nhanh như vậy. Vé ngày lễ rất khó mua, nhưng thường không bán hết chỉ sau vài phút?", ông Liu chia sẻ.

Nhiều người dùng mạng xã hội cho biết khi cố gắng đặt vé vào cuối tuần, họ không thể mua được vé tàu từ Bắc Kinh đến bất kỳ địa điểm nào vào thứ sáu hoặc thứ bảy, chỉ có một số vé từ ngày thứ ba.

Cơ quan quản lý đường sắt Trung Quốc không bình luận về việc có giảm số lượng vé cho kỳ nghỉ lễ hay không. Song khoảng 68,5 triệu chuyến tàu sẽ được thực hiện từ ngày 28/9 đến ngày 8/10 - con số thấp nhất trong các kỳ nghỉ kể từ khi đại dịch bùng phát.

Nhiều trở ngại

Trong khi đó, nhiều trường đại học và cao đẳng thông báo sinh viên chỉ được nghỉ 3 ngày từ 1/10, và không thể rời khuôn viên trường trong thời gian này.

“Tôi đã dành toàn bộ thời gian trong khuôn viên trường kể từ khi học kỳ bắt đầu”, Jenny Gu, 19 tuổi, sinh viên một trường đại học ở thành phố cảng phía bắc Thiên Tân, cho biết.

“Tôi nghĩ đại học sẽ là khởi đầu cho một khoảng thời gian đầy màu sắc trong cuộc đời, nhưng thật đáng buồn vì bị hạn chế bởi các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19”, Gu chia sẻ.

Hành khách đeo khẩu trang trên xe buýt, trước kỳ nghỉ "tuần lễ vàng" nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc, tại Bắc Kinh, vào ngày 26/9. Ảnh: Reuters.

Sinh viên tại hầu hết trường đại học được yêu cầu ở lại khuôn viên trường kể từ khi họ trở về sau kỳ nghỉ hè. Làn sóng lây nhiễm mới nhất ở Thiên Tân bắt đầu cách đây khoảng một tháng và tính đến nay đã ghi nhận hơn 500 ca mắc Covid-19, hầu hết đều không có triệu chứng.

Cơ quan y tế Trung Quốc cũng đã công bố các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn trên toàn quốc vào đầu tháng 9 để tránh "bùng phát dịch quy mô lớn", vì nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng cao khi nhiều người di chuyển trước kỳ nghỉ Quốc khánh.

Theo đó, mọi khách hàng nhận phòng tại nhà nghỉ, khách sạn hoặc đến một địa điểm du lịch phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ.

Ở nhiều nơi, học sinh trung học và trung học cơ sở ra khỏi thành phố sẽ phải cách ly tại nhà trước khi trở lại lớp học.

Ngoài những hạn chế vì dịch Covid-19, nhiều người cũng bất bình khi phải tăng ca vào cuối tuần, sau kì nghỉ lễ.

Hashtag “kỳ nghỉ không cần làm bù” đã thu hút khoảng 430 triệu lượt xem trên Weibo, đứng đầu danh sách chủ đề thịnh hành vào ngày 21/9. Trong đó, nhiều người bất bình vì tuần làm việc dài bất thường sau kỳ nghỉ lễ, có thể khiến họ căng thẳng quá mức, theo Jing Daily.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật