“Ép” khách vay vốn mua bảo hiểm: Bộ Tài chính đề xuất giải pháp cứng rắn

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được ghi âm và lưu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời hạn ít nhất 5 năm”, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng “ép“ khách mua bảo hiểm.
“Ép” khách vay vốn mua bảo hiểm: Bộ Tài chính đề xuất giải pháp cứng rắn
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính, đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó, đáng chú ý là vấn đề mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng. Cụ thể, tại Điều 26 ghi rõ “Yêu cầu đối với việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua đại lý là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo 6 nguyên tắc.

Cụ thể, toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được ghi âm và lưu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời hạn ít nhất 5 năm.

Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước khi quyết định phát hành hợp đồng, trong đó, phải có nội dung để kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là trên cơ sở tự nguyện.

Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kịp thời phối hợp với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc tư vấn của nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý vi phạm (nếu có).

Dự thảo Thông tư quy định, định kỳ hàng tháng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu về hợp đồng bảo hiểm khai thác mới, doanh thu phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện.

Bên cạnh đó, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện ký thêm hợp đồng đại lý cá nhân nhằm thực hiện hoạt động đại lý trên cùng một hợp đồng bảo hiểm với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm cần quy định rõ phạm vi, nội dung và khối lượng công việc do đại lý cá nhân và đại lý tổ chức để làm cơ sở thanh toán các khoản chi theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý.

Đặc biệt, dự thảo nhấn mạnh: Doanh nghiệp bảo hiểm không được ký thêm hợp đồng đại lý cá nhân đối với các cá nhân là nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang là đại lý bảo hiểm của chính doanh nghiệp bảo hiểm đó.

Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nghiệp thành phố và hội doanh nghiệp ngành nghề tại TP HCM phản ánh, hiện nay, doanh nghiệp muốn vay vốn phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng xem xét cho vay. Việc này làm tăng thêm chi phí và gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp, nhất là khi chi phí đầu vào cũng đang chịu áp lực tăng.

Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố yêu cầu các tổ chức tín dụng phải rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp "ép" khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thật sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật