Mở cửa bầu trời, thúc đẩy giao thương

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bên cạnh tăng trưởng vượt bậc của thị trường hàng không nội địa năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Việt Nam cũng đang tích cực nối lại các đường bay quốc tế, dần khôi phục tần suất như thời điểm trước khi có dịch Covid-19.
Mở cửa bầu trời, thúc đẩy giao thương
Nhiều hãng hàng không nước ngoài khai thác trở lại các đường bay đến, đi từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: PHAN CÔNG

Việc phục hồi thị trường hàng không quốc tế không chỉ giúp ngành hàng không vượt qua khó khăn mà còn thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ, thương mại, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Các đường bay quốc tế sôi động trở lại

Là một trong những thị trường hàng không quốc tế lớn nhất của Việt Nam, việc các đường bay kết nối đến Trung Quốc bắt đầu khai thác trở lại đang mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho các hãng hàng không. Từ tháng 12-2022, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nối lại 3 đường bay đến Trung Quốc gồm: TP Hồ Chí Minh-Quảng Châu, Hà Nội-Thượng Hải và TP Hồ Chí Minh-Thượng Hải. Với việc nối lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc, Vietnam Airlines đã khôi phục hầu hết điểm đến quốc tế, nâng tổng số chuyến khai thác trên toàn mạng đường bay quốc tế của hãng lên hơn 600 chuyến/tuần, tương đương 70% tần suất khai thác trước dịch.

Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Cục Hàng không Trung Quốc (CAAC) đã có thông báo về việc sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc, cho phép các hãng hàng không khôi phục lại các chuyến bay thường lệ với tần suất được quy định tại thỏa thuận theo các hiệp định hàng không song phương, những hạn chế về số lượng chuyến bay chở khách quốc tế, giới hạn số khách được chuyên chở sẽ được gỡ bỏ. Về giờ hạ/cất cánh (slot), các hãng hàng không có thể khôi phục những chuyến bay như trước đại dịch Covid-19, sử dụng các slot lịch sử dựa trên nguyên tắc có đi có lại.

Đại diện Hãng hàng không Vietjet cho biết, từ tháng 10-2022, hãng đã mở lại các đường bay kết nối Việt Nam và Trung Quốc với hai đường bay từ TP Hồ Chí Minh đến Hàng Châu, Thành Đô. Vietjet tiếp tục mở thêm các đường bay kết nối TP Hồ Chí Minh với Thượng Hải, Thâm Quyến và Vũ Hán, đồng thời, chuẩn bị kế hoạch mở lại hàng loạt đường bay khác đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thành Đô, Trùng Khánh... ngay sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa hoàn toàn trở lại. Bên cạnh đó, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Vietjet cũng khai thác trở lại các đường bay quốc tế với mạng bay phủ khắp điểm đến trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Kazakhstan. "Với các chính sách mở cửa, chào đón khách du lịch, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế. Người dân cũng thuận lợi hơn trên các hành trình bay quốc tế để du lịch, thăm thân, du học, công tác khi hầu hết các nước trong khu vực và thế giới đã nới lỏng hay gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19", đại diện Vietjet đánh giá.

Triển vọng trong dài hạn

Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài là một trong hai cửa ngõ hàng không lớn nhất cả nước. Hiện nay, sản lượng vận chuyển hàng không quốc tế tại Cảng HKQT Nội Bài đang trên đà phục hồi, mỗi ngày đạt khoảng 24.000 lượt khách và 170 lượt chuyến bay đi/đến. Với hàng loạt hãng hàng không quốc tế mở lại khai thác trong tháng 1-2023, sản lượng các chuyến bay quốc tế đi, đến Cảng HKQT Nội Bài dịp Tết Nguyên đán 2023 ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt khoảng 26.000 lượt khách và 190 lượt chuyến bay/ngày cao điểm, bằng khoảng 75% so với dịp Tết Nguyên đán 2019 (thời điểm trước khi có dịch Covid-19). Đây là những minh chứng cho thấy sự phục hồi phát triển mạnh mẽ của các đường bay quốc tế kết nối với Cảng HKQT Nội Bài nói riêng và Việt Nam nói chung. Cảng HKQT Nội Bài đã và đang chuẩn bị kỹ lưỡng mọi nguồn lực, phương án trong dây chuyền để sẵn sàng cho sự phục hồi của các đường bay quốc tế ngay từ những ngày đầu năm 2023.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, sau quãng thời gian thua lỗ nặng nề trong các năm từ 2020 đến 2022 do tác động của đại dịch Covid-19, các hãng hàng không trên thế giới dự kiến bắt đầu có lãi trở lại trong năm 2023. Lưu lượng hành khách được dự báo có thể đạt 4,2 tỷ lượt, bằng 85,5% mức của năm 2019. Đối với triển vọng dài hạn, khi các đường bay quốc tế dần được phục hồi, ngành hàng không sẽ tăng tốc trở lại. Bên cạnh đó, khách du lịch quốc tế quay trở lại sẽ tạo "cú hích" cho ngành du lịch và các địa phương có lợi thế về khai thác du lịch.

Cùng với những điều kiện thuận lợi và cơ hội phục hồi, tăng trưởng, các đơn vị trong ngành hàng không cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là những rủi ro về biến động giá nhiên liệu, tỷ giá và lãi suất tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí. Kinh tế nhiều nước trên thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái, lạm phát ở mức cao, người dân thắt chặt chi tiêu, tác động đến nhu cầu đi lại, tiêu dùng, du lịch. Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức luôn song hành, với những bước chuẩn bị sẵn sàng, ngành hàng không sẽ vững tin đón nhận giai đoạn phát triển mới, hướng đến những mục tiêu mới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật