Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD từ FDI năm 2023

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1 tỷ USD
Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD từ FDI năm 2023
Khởi công Dự án Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong tại KCN Bắc Tiền Phong.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm

Riêng trong tháng 1/2023, tỉnh Quảng Ninh đã có gần chục buổi tiếp, làm việc cùng các nhà đầu tư quốc tế đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, không ít nhà đầu tư đã thông tin kế hoạch đầu tư vào Quảng Ninh với số vốn hàng trăm triệu USD. Điển hình như tại KCN Sông Khoai, vào tháng 6 tới đây, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản gồm: Tập đoàn Yaskawa Electric dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất động cơ và các thiết bị truyền động điện, robot công nghiệp trên diện tích khoảng 12ha, tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD; Tập đoàn Tenma xây dựng Nhà máy ép khuôn nhựa máy in trên diện tích 18ha, tổng vốn 150 triệu USD; Công ty Castem đầu tư nhà máy đúc kim loại trên diện tích 2ha, tổng vốn đầu tư 14 triệu USD...

Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, cũng từ Nhật Bản, Tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới AEON cũng đang khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng AEON Mall Hạ Long với quy mô là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam. Các tập đoàn khác như Mastern Investment Management đến từ Hàn Quốc hay Sunwah, TAL, S.A.I. Leisure đến tư Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đã đến Quảng Ninh để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh trong năm 2023.

Được biết, chủ đề công tác năm của tỉnh Quảng Ninh là: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, trong đó mục tiêu phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm thu hút vốn FDI ít nhất một tỷ USD vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ ưu tiên tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; tái định vị dòng vốn đầu tư, ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ...

Ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Quảng Ninh hiện được biết đến là một trong những những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển, là tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hấp dẫn với nền hành chính hiện đại, quản trị địa phương theo hướng bền vững phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng có nhiều chính sách ưu tiên, cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư

Để thu hút đầu tư hiệu quả trong năm 2023, bên cạnh việc đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, tỉnh sẽ ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài có liên kết với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế... Để tạo tính hấp dẫn, Quảng Ninh đang tập trung giải quyết 2 vấn đề chính được hầu hết các nhà đầu tư quan tâm, trong đó đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của nhà đầu tư để đạt mục tiêu cả hai phía đều thành công bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền về các lợi thế so sánh nổi trội như vị trí địa chiến lược, diện tích lớn, tài nguyên thiên nhiên giàu có, hệ sinh thái phong phú, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư đồng bộ và nền hành chính được tập trung cải cách.

Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Ninh năm 2022.

Đặc biệt, để thuyết phục các nhà đầu tư lớn, Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan; công khai, tạo sự minh bạch và điều kiện tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, mặt bằng; xây dựng văn hóa công sở và hình ảnh thân thiện trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh (QEZA) cho biết: QEZA đang lên kế hoạch chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư tại các thị trường có thế mạnh về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp hỗ trợ, gồm châu Âu (Đức, Bỉ), Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc).

Đồng thời, tập trung hoàn thiện Nhiệm vụ và lập Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế ven biển Quảng Yên đến năm 2040, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng kế hoạch và lập các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trong khu kinh tế ven biển Quảng Yên. Lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các khu công nghiệp làm cơ sở thu hút, lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, tiếp tục triển khai lập, hoàn thiện 4 quy hoạch phân khu thuộc khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật