Ngân hàng nhận “trái đắng” khi đổ tiền vào chứng khoán đầu tư

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kém hơn nhiều so với các năm trước trong mảng mua bán, đầu tư chứng khoán. Thậm chí, không ít nhà băng lỗ hàng trăm tỷ đồng từ mảng này.
Ngân hàng nhận “trái đắng” khi đổ tiền vào chứng khoán đầu tư
Nhiều ngân hàng càng đổ tiền vào chứng khoán đầu tư càng lỗ nặng. (Ảnh minh họa)

Về tình hình tăng trưởng tín dụng, thanh khoản, hấp thụ vốn của nền kinh tế trong quý I/2023, thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng vào đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng mạnh nhất với 13,39%.

Ngân hàng “ôm lỗ” trăm tỷ đồng

Báo cáo tài chính quý I/2023 tại nhiều ngân hàng ghi nhận danh mục chứng khoán đầu tư có xu hướng tăng mạnh.

Điển hình, tại TPBank, danh mục chứng khoán đầu tư tính đến hết quý I lên tới gần 78.680 tỷ đồng, tăng hơn 4.300 tỷ đồng so với cuối năm 2022 và chiếm tới hơn 22,9% tổng tài sản của ngân hàng. Tại VIB, con số này cũng tăng vọt hơn 33.480 tỷ đồng so với cuối năm 2022, lên tới gần 73.770 tỷ đồng và chiếm tương đương 20,65% tổng tài sản.

Ngay cả các “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước cũng không nằm ngoài xu hướng. Tại VietinBank, danh mục chứng khoán đầu tư tại thời điểm ngày 31/3/2023 tăng vọt hơn 20.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022, lên xấp xỉ 200.465 tỷ đồng (chiếm gần 11% tổng tài sản).

Tương tự, theo báo cáo tài chính quý I/2023, đến cuối tháng 3/2023, BIDV đang nắm giữ hơn 236.748 tỷ đồng chứng khoán đầu tư các loại, chiếm tới hơn 11,2% tổng tài sản có của ngân hàng.

Đáng lưu ý là, nếu như những năm trước, mảng kinh doanh chứng khoán giúp nhiều ngân hàng lãi đậm, thì từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả kém hơn nhiều, thậm chí thua lỗ nặng từ mảng này.

Chẳng hạn, quý I/2023, Techcombank ghi nhận khoản lỗ thuần hơn 30,6 tỷ đồng ở khoản mục chứng khoán đầu tư; VIB ghi nhận khoản lỗ hơn 10,3 tỷ đồng; BIDV ghi nhận khoản lỗ 165 triệu đồng…

Cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng hiện nay gồm nhiều sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, trong đó trái phiếu là loại hình đầu tư phổ biến nhất.

Ngoài hoạt động chính là đi vay và cho vay, chứng khoán đầu tư là khoản mục đầu tư ưa thích của phần lớn các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân là bởi, bên cạnh khả năng sinh lời, khoản mục đầu tư này còn giúp các ngân hàng cân bằng rủi ro và do dễ dàng mua bán nên có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản kịp thời hoặc dùng cầm cố để vay vốn bổ sung.

Nên tách bạch ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư

Có thể thấy, những năm trước, danh mục chứng khoán đầu tư luôn là “điểm sáng” trong bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, thị trường đã có nhiều biến động: lãi suất tăng, biến động tỷ giá, sự sụt giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán và tình trạng “đóng băng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán của các ngân hàng. Theo đó, chứng khoán đầu tư lại trở thành "trái đắng" thua lỗ của rất nhiều ngân hàng, cả quy mô lớn lẫn nhỏ.

Cụ thể, trong quý đầu năm, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành đã giúp nền lãi suất giảm kéo theo lợi suất trái phiếu Chính phủ quý I giảm còn về mức 3,84% so với đầu năm 2023 là 5,2%, tuy nhiên so với mức lợi suất khoảng 2,2% vào tháng 1/2022 vẫn còn cao. Theo đó, tỷ trọng trái phiếu Chính phủ trên tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng cũng sụt giảm.

Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam và thế giới đã có những khoảng thời gian giao dịch tiêu cực. Có thời điểm, VN-Index giảm xuống dưới mức 1.000 điểm. Thị trường lao dốc khiến danh mục đầu tư của hàng loạt tổ chức “bốc hơi”. Không riêng các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, mà nhiều ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất sử dụng một phần vốn để đầu tư ngoài hoạt động lõi cũng thua lỗ đậm trong năm qua.

Cùng với đó, danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi và gốc trái phiếu. Dù chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng nhưng khi trái phiếu doanh nghiệp bị “nhảy” nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, số trái phiếu ngân hàng đang nắm giữ khoảng 300.000 tỷ đồng, trong đó nhiều trái phiếu đến hạn năm nay và năm tới, trong số này 1/3 là doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp xếp hàng dài trong chuỗi nợ xấu. Như vậy, trái phiếu ngân hàng nắm giữ đang rất rủi ro.

Theo ông Hiếu, việc này sẽ kéo hệ số an toàn vốn của ngân hàng xuống 11,6%. Nếu trái phiếu ngân hàng đang nắm giữ "vỡ nợ" hàng loạt sẽ kéo hệ số rủi ro xuống 10%. Điều này sẽ làm tăng mức độ rủi ro của ngân hàng.

Do đó, các chuyên gia đánh giá: Trong hoạt động đầu tư trái phiếu, ngân hàng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ thì an toàn hơn; còn huy động tiền của dân mà mua trái phiếu doanh nghiệp có độ rủi ro cao.

"Dư nợ trái phiếu trong các nhà băng hiện nay chiếm 10% tổng tài sản, gấp đôi vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Nếu như khoản này thành nợ xấu thì rủi ro rất cao. Vì thế cần sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng tách bạch giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư để tránh rủi ro cho hệ thống", một chuyên gia kiến nghị.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật