Hàng trăm người mua nhà ngồi chật kín phiên toà xét xử ông Lê Thanh Thản

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng 10/8, hàng trăm người mua nhà ngồi chật kín trong phòng xét xử ông Lê Thanh Thản cùng nhóm cựu cán bộ quận Hà Đông liên quan tới sai phạm tại dự án CT6 Kiến Hưng.
Hàng trăm người mua nhà ngồi chật kín phiên toà xét xử ông Lê Thanh Thản
Ông Lê Thanh Thản tại tòa sáng 10/8

Sáng nay (10/8) TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản (SN 1950, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất, xuất nhập khẩu Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) về tội "Lừa dối khách hàng", liên quan tới dự án CT6 Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông).

Ngoài ông Thản, còn có Đỗ Văn Hưng (cựu Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), Nguyễn Duy Uyển và Bùi Văn Bằng (cùng là cựu Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), Nguyễn Văn Năm (cựu Chánh thanh tra Xây dựng quận Hà Đông), Vương Đăng Quân (cựu Phó Chánh thanh tra Xây dựng quận Hà Đông), Mai Quang Bài (cựu cán bộ thanh tra Xây dựng quận Hà Đông) bị đưa ra xét xử về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo ghi nhận thực tế của PV, hơn 8h sáng, hàng trăm nạn nhân (là người mua nhà tại dự án CT6 Kiến Hưng) đã có mặt, ngồi chật kín phòng xét xử ông Lê Thanh Thản. Họ đều có chung tâm trạng lo lắng và mong mỏi vào một phán quyết công minh từ HĐXX.

Bên lề phiên xét xử, anh Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, hơn chục năm trước, với ước mong an cư lạc nghiệp ở đất Thủ đô, vợ chồng anh đã dồn hết tiền tiết kiệm, chạy vạy vay mượn khắp nơi hơn 1 tỷ đồng để mua căn hộ 61m2 tại tầng 31 tòa tháp CT6C dự án chung cư CT6 Kiến Hưng (P.Kiến Hưng, Q.Hà Đông, Hà Nội).

Ngày chuyển về ngôi nhà mới được mua bằng chính những đồng tiền mồ hôi nước mắt mình làm ra, vợ chồng anh Tuấn vui mừng khôn xiết.

Khi đó, vợ chồng anh mong rằng sau vài tháng nhận nhà, sẽ có "sổ hồng" để yên tâm làm ăn. Nhưng rồi sự chờ đợi, hy vọng đó cứ kéo dài từ năm này qua năm khác cho tới khi sự thật về sai phạm "khủng" của chung cư CT6C được phơi bày ra ánh sáng.

Giờ đây, anh cũng như hàng trăm cư dân khác mong muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền trên đất cho các căn hộ của tòa CT6C.

Trong trường hợp các căn hộ của tòa CT6C không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền trên đất thì ông Lê Thanh Thản và chủ đầu tư phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thật thỏa đáng cho các bị hại để khắc phục hậu quả do bị cáo gây ra.

Hàng trăm nạn nhân tới tham dự phiên tòa xét xử ông Lê Thanh Thản

Cùng cảnh ngộ, chị Lê Thị Dung (37 tuổi) nghẹn ngào chia sẻ, năm 2010, thời điểm chị đang bụng mang dạ chửa, được sự động viên của 2 bên gia đình, cộng thêm khoản tiết kiệm ít ỏi, vợ chồng chị đã đánh liều vay mượn để mua 1 căn hộ tại chung cư CT6C Kiến Hưng.

Mua được nhà với giá mềm, vợ chồng chị tưởng chừng như được ông trời phù hộ, gặp may mắn.

Tháng 12/2012, gia đình chị chuyển đến sống tại tầng 11, chung cư CT6C Kiến Hưng. Công an phường đến xác nhận khai báo, hỗ trợ chị làm hộ khẩu.

Khi đã ổn định cuộc sống, chị và nhiều hộ dân nhiều lần ý kiến bằng văn bản đề nghị ông Thản và Chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng). Tuy nhiên, ông Thản đã tìm mọi cách trì hoãn, kéo dài, thậm chí phớt lờ khiếu nại của cư dân.

Chị Dung lên phòng đăng ký đất đai quận Hà Đông nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng bị trả về với lý do "dự án không được cấp phép". Những năm sau, chị cùng các hộ dân khác liên tục làm đơn khiếu nại, cầu cứu khắp nơi nhưng không có kết quả.

"Đến năm 2019, ông Thản bị khởi tố, tôi mới vỡ lẽ đã bị ông ấy lừa dối. Cả một tòa nhà cao 32 tầng nhưng xây dựng trái phép", chị Dung không nói nên lời.

Toàn cảnh phiên toà

Theo cáo trạng, ông Thản bị cáo buộc đã bán 488 căn hộ không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) thu lợi bất chính hơn 481 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, ông Thản khai nhận vì nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh nên chưa kịp hoàn thiện thủ tục hành chính trình các cấp có thẩm quyền, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 dự án.

Ngày 31/7/2019, ông Thản có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả vụ án theo 3 phương án.

Thứ nhất, xem xét xử lý theo Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ và Khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Thứ hai, ông Thản tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C (tòa nhà xây sai quy hoạch - PV) để di dời sang dự án khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5.

Thứ ba, ông Thản tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ tòa chung cư này.

Toà chung cư CT6C Kiến Hưng xây sai phép

Quá trình điều tra, ông Lê Thanh Thản lựa chọn phương án thứ ba như đã nêu trên. Tuy nhiên, đến nay, Công ty CP sản xuất, xuất nhập khẩu Bemes không thỏa thuận được với khách hàng. Vì vậy, sau đó ông Thản đã đề nghị Ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Hà Nội bảo lãnh số tiền bị can phải trả lại cho khách hàng theo quy định của Pháp Luật.

Đến ngày 27/11/2019, ngân hàng xác nhận bảo lãnh 530 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho ông Lê Thanh Thản tại dự án CT6 Kiến Hưng (cụ thể là các sổ tiết kiệm trị giá 530 tỉ đồng thuộc sở hữu của vợ ông Thản là bà Hoàng Thị Huệ).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật