Hành trình đến Olympic 2024 của thể thao Việt Nam: Quá nhiều gian nan

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mục tiêu giành 15 suất chính thức tham dự Olympic 2024 của đoàn thể thao Việt Nam đang ngày càng xa tầm với. Trong những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, các vận động viên Việt Nam không thể hóa rồng để giành thêm vé đến Paris.
Hành trình đến Olympic 2024 của thể thao Việt Nam: Quá nhiều gian nan
Vận động viên Nguyễn Huy Hoàng gây thất vọng trên hành trình tìm vé dự Olympic 2024.

Bơi lội cạn hy vọng

Trong lúc cả nước nghỉ Tết Nguyên Đán 2024, nhiều đội tuyển thể thao Việt Nam tập luyện và thi đấu không ngừng nghỉ vì mục tiêu tranh vé dự Olympic Paris, bao gồm cử tạ, bơi, thể dục dụng cụ, taekwondo, judo, cầu lông, quyền Anh (boxing)…

Trong đó, đội tuyển bơi Việt Nam phải tham dự giải Vô địch thế giới - đồng thời là vòng loại Olympic 2024 xuyên Tết. Giải đấu diễn ra tại Doha, Qatar từ ngày 11/2 (tức mùng 2 Tết) cho đến ngày 18/2. 6 tuyển thủ trọng điểm của Việt Nam đạt chuẩn theo quy định của Liên đoàn thể thao dưới nước (FINA) góp mặt ở giải đấu là Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo, Nguyễn Quang Thuấn, Nguyễn Hoàng Khang và Ngô Đình Chuyền.

Tuyển bơi Việt Nam dự 10 cự ly, trong đó Nguyễn Huy Hoàng thi đấu 3 cự ly (400m tự do, 800m tự do và 1.500m tự do nam), Ngô Đình Chuyền thi đấu 1 cự ly, Phạm Thanh Bảo dự 2 cự ly (100m ếch và 200m ếch nam), Trần Hưng Nguyên dự 2 cự ly (200m ngửa và 200m hỗn hợp cá nhân nam), Nguyễn Quang Thuấn dự 1 cự ly (400m hỗn hợp cá nhân nam) và Nguyễn Hoàng Khang dự 1 cự ly (50m bướm nam).

Sau khi Nguyễn Huy Hoàng sớm đạt chuẩn A ở nội dung bơi 800m tự do nam, tuyển bơi Việt Nam kỳ vọng sẽ giành thêm vé tại Qatar. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra. Bơi lội Việt Nam thậm chí sa sút phong độ so với chính mình. Từ niềm hy vọng lớn nhất Nguyễn Huy Hoàng cho đến các tài năng trẻ như Nguyễn Quang Thuấn đều bơi chậm hơn các giải đấu gần đây.

Đơn cử ở nội dung 1.500m tự do nam được kỳ vọng có vé, Nguyễn Huy Hoàng chỉ đạt kết quả 15 phút 22,86 giây, kém thành tích của anh tại ASIAD 19 đến 18 giây. Tại Hàng Châu, “Rái cá sông Giang” lọt vào vòng chung kết với thành tích 15 phút 4,06 giây. Xa hơn, anh cũng giành huy chương tại SEA Games 32 với kết quả 15 phút 11,24 giây. Nếu đạt điểm rơi phong độ đúng như chờ đợi tại Doha, Nguyễn Huy Hoàng nhiều khả năng sẽ đạt chuẩn A nội dung này.

Chuẩn A Olympic cự ly 1.500m tự do nam đối với tranh vé dự Olympic Paris (Pháp) 2024 được quy định là 15’00”99 trong khi Chuẩn B Olympic cự ly 1.500m tự do là 15’05”49. Trước đó, Nguyễn Huy Hoàng cũng bơi chậm hơn 14 giây ở nội dung 800m tự do nam. Đây là nội dung mà kình ngư này đã đoạt vé đến Paris, nhưng thành tích lao dốc không phanh của anh khiến người hâm mộ cực kỳ lo lắng.

Ở nội dung bơi 400m hỗn hợp cá nhân nam, Nguyễn Quang Thuấn kết thúc vòng loại với thành tích 4 phút 28,72 giây, xếp hạng 20 chung cuộc. So với thành tích Quang Thuấn từng đạt được tại SEA Games và ASIAD, đây là thông số đi xuống trông thấy. Tại ASIAD 19 cách đây chưa đầy nửa năm, Nguyễn Quang Thuấn đạt thành tích 4 phút 22,79 giây.

Kết quả giải bơi vô địch thế giới 2024, tuyển bơi Việt Nam không có vận động viên nào vượt qua vòng loại. Bên cạnh phong độ sa sút, các tuyển thủ Việt Nam còn vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ. Giải đấu năm nay ghi nhận kỷ lục về số lượng vận động viên tham gia tranh tài khi có 2.600 kình ngư đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy quyết tâm cao độ của các đoàn để giành vé tham dự Olympic Paris 2024.

Quá nhiều gian nan

Ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao - từng chia sẻ mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là phấn đấu có 12-15 suất dự Olympic Paris 2024. Tính đến thời điểm này, chúng ta mới có 4 suất chính thức của Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Thị Thật (xe đạp) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi). Thời gian ngày càng ít đi, mục tiêu của thể thao Việt Nam ngày càng khó hoàn thành.

Vận động viên Trịnh Văn Vinh lại là niềm hy vọng của cử tạ Việt Nam sau 4 năm bị cấm thi đấu.

Cùng với tuyển bơi lội, tuyển cử tạ Việt Nam cũng có màn ra quân không thực sự như ý. Các đô cử Việt Nam vừa hoàn thành giải vô địch châu Á 2024 tại Uzbekistan, với duy nhất đô cử Trịnh Văn Vinh giành được huy chương đồng hạng 61kg nam. Văn Vinh đạt kết quả cử giật tốt nhất là 129kg và cử đẩy tốt nhất là 161kg, đạt tổng cử 290kg và đứng thứ 3 ở nội dung này.

Dù sao, đây cũng là thành tích đủ để Trịnh Văn Vinh tiếp tục nuôi hy vọng đến Olympic 2024. Hiện tại, đô cử sinh ra ở Bắc Ninh đang đứng thứ 9 trong số 10 vận động viên cử tạ hàng đầu ở hạng 61kg nam. Theo quy định, mỗi hạng cân chỉ có 10 đô cử đạt tổng thành tích tốt nhất vòng loại và mỗi quốc gia chỉ được cử một người tham dự Thế vận hội.

Môn cử tạ còn 4 giải đấu tính điểm vòng loại Olympic 2024 và bảng xếp hạng hứa hẹn còn nhiều xáo trộn. Vì vậy, Trịnh Văn Vinh chưa thể vui mừng quá sớm. Đừng quên, đô cử 29 tuổi này vừa trở lại thi đấu vào tháng 2/2023 sau 4 năm bị cấm vì doping.

Việc giành suất tham dự Olympic từ các môn thể thao “đại chúng” ngày càng khó khăn hơn. Tương tự bơi lội, điền kinh Việt Nam đối mặt với nhiều gian nan và gần như không có cơ hội giành vé thẳng đến Paris 2024. Một số vận động viên dính doping trong năm 2023 càng khiến bức tranh điền kinh trở nên ảm đạm.

Tại ASIAD 19, điền kinh Việt Nam trắng tay lần đầu sau 3 kỳ Á vận hội liên tiếp có huy chương. Các niềm hy vọng Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, tổ tiếp sức nữ 4x400 nữ đều thất bại, ngay cả khi đạt thành tích cá nhân tốt nhất trong năm.

Đội tuyển bơi Việt Nam không đạt điểm rơi phong độ tại giải thế giới.

Tiến sĩ Dương Đức Thủy - Nguyên cán bộ phụ trách bộ môn điền kinh (Vụ thể thao thành tích cao I, Cục Thể dục Thể thao) nhận định với nền tảng thể lực và thành tích hiện tại, điền kinh Việt Nam rất khó để hy vọng có vận động viên đạt chuẩn Olympic. Nếu không có gì thay đổi, điền kinh Việt Nam sẽ phải trông chờ vào một suất đặc cách của IOC giống như ở Tokyo 2021.

Trong khi đó, các môn võ vốn là thế mạnh của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á nhưng không có quá nhiều sự nổi trội ở tầm thế giới. Đội tuyển Taekwondo đã tập huấn tại Hàn Quốc từ đầu năm và liên tục thi đấu trong tháng 2 này. Tuy nhiên, chúng ta cũng chỉ có một niềm hy vọng sáng giá là Trương Thị Kim Tuyền.

Hiện tại, Trương Thị Kim Tuyền đang tiến gần đến tấm vé dự Olympic sau khi giành huy chương bạc ở giải Taekwondo Mỹ mở rộng 2024. Thành tích này giúp Kim Tuyền thêm điểm vào bảng xếp hạng Taekwondo thế giới hạng cân dưới 49kg, nơi cô đang xếp vị trí thứ 20 tính đến thời điểm trước khi giải đấu diễn ra.

Trước đó tại giải Taekwondo Canada mở rộng, đội tuyển Việt Nam cũng giành một huy chương Bạc nhờ công của Bạc Thị Khiêm tại hạng dưới 67kg nữ. Hai đại diện còn lại là Kim Tuyền và Trần Thị Ánh Tuyết đều lọt vào đến vòng tứ kết. Dù vậy, cơ hội cho Bạc Thị Khiêm hay Ánh Tuyết đến Paris không cao.

Các môn khác như Judo, đấu kiếm, đội tuyển Việt Nam cũng khó cạnh tranh. Tất nhiên, vẫn có các vận động viên đang kiên trì tập luyện, thi đấu để tìm vé dự Olympic 2024. Nguyễn Thùy Linh của cầu lông là ví dụ điển hình. Từ đầu năm 2023 đến nay, Nguyễn Thùy Linh liên tục xuất ngoại thi đấu - ngay cả khi chỉ có một mình để tích lũy điểm số. Cô gần như chắc chắn đã có vé và chỉ chờ công bố chính thức. Ở nội dung của nam, tay vợt Nguyễn Hải Đăng vừa vô địch giải Fajr International Challenge 2024 diễn ra ở Iran và giành thêm 4.000 điểm trên bảng xếp hạng Road To Paris. Nếu đạt thành tích tốt trong các giải đấu sắp tới, Hải Đăng hoàn toàn có thể nối gót Thùy Linh.

Tại môn thể dục dụng cụ, các vận động viên Việt Nam sẽ có cơ hội giành vé thông qua 4 chặng của World Cup và Giải vô địch châu Á, ở nửa đầu năm 2024. Đội tuyển Việt Nam xem như đã có một vé của Nguyễn Văn Khánh Phong, nhà vô địch SEA Games 32 và Á quân ASIAD 19 nội dung vòng treo. Tương tự như vậy, Nguyễn Thị Tâm của Boxing cũng được đánh giá có đến 90% khả năng đoạt vé.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật