Thể thao Việt Nam vẫn gian nan tìm kiếm vé dự Olympic Paris 2024

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Olympic Paris 2024 sẽ khai mạc vào tháng 7 tới, nhưng đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam mới có 4 suất góp mặt tại Pháp so với mục tiêu giành ít nhất 12 suất.
Thể thao Việt Nam vẫn gian nan tìm kiếm vé dự Olympic Paris 2024
Thể thao Việt Nam gian nan tìm kiếm vé dự Olympic Paris 2024. Ảnh: Bùi Lượng.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các môn thi đấu trọng điểm buộc phải “chạy đua” trước khi xác định tấm vé cuối cùng vào cuối tháng 6 tới.

Các bộ môn “chạy đua”

Ngoài những tấm vé dự Olympic 2024 đã giành được của môn bơi, bắn súng, xe đạp, tính đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam vẫn còn các môn khác để đặt kỳ vọng giành vé tham dự Olympic Paris 2024 như: điền kinh, taekwondo, boxing, judo, cầu lông, cử tạ, đấu kiếm, đua thuyền… Trong đó, một vài môn đã thi đấu ở các giải đấu cấp độ châu lục thuộc hệ thống tích điểm cho Olympic Paris như taekwondo tham dự thi đấu tại Giải Taekwondo Mỹ mở rộng và Giải Taekwondo Canada mở rộng lần lượt giành 2 tấm HCB của võ sĩ Bạc Thị Khiêm và Trương Thị Kim Tuyền. Đây được xem là liều thuốc “tinh thần” cho nữ võ sĩ trên chặng đường giành vé tới Pháp vào tháng 7.

Các bộ môn "chạy đua" giành vé dự Olympic Paris 2024. Ảnh: Bùi Lượng.

Trong khi đó, Trịnh Văn Vinh mang tin vui về cho cử tạ với tấm HCĐ tổng cử ở hạng 61kg nam tại Giải cử tạ vô địch châu Á 2024 tại Uzbekistan. Đây là bước đệm cho Trịnh Văn Vinh hướng tới giải đấu ở Thái Lan vào tháng 4 tới, bởi theo quy định, mỗi hạng cân tại Olympic Paris 2024 chỉ lấy 10 đô cử dẫn đầu trên bảng xếp hạng sau các giải vòng loại. Ngoài ra, 3 VĐV của bộ môn judo là Hoàng Thị Tình, Nguyễn Ngọc Diễm Phương, Chu Đức Đạt tham dự giải Grand Prix 2023 ở châu Âu hướng tới tích lũy điểm số tốt nhất trên bảng xếp hạng tranh suất chính thức dự Olympic Paris 2024.

Chỉ còn khoảng hơn 5 tháng, Olympic Paris 2024 sẽ khởi tranh. Từ nay đến tháng 6, các bộ môn thể thao Việt Nam lần lượt tham dự các giải đấu như: Giải judo Grand Slam vòng loại Olympic (tháng 3, 4), đua thuyền có vòng loại khu vực châu Á diễn ra tại Hàn Quốc (tháng 4)… Ở môn điền kinh, các chân chạy được đặt niềm tin ở nội dung tiếp sức 4x400m dù Nguyễn Thị Huyền giải nghệ nhưng Quách Thị Lan trở lại sau án phạt, trong đó có Giải vô địch tiếp sức châu Á được tổ chức vào tháng 6 tại Thái Lan.

Sự lạc quan nhất lúc này được đặt vào boxing Việt Nam tranh tài ở vòng loại Olympic (lượt thứ nhất) từ ngày 29/2 - 12/3 tại Italy. Trong số 3 gương mặt được đặt kì vọng của tuyển boxing Việt Nam, Nguyễn Thị Tâm hiện là đương kim Á quân thế giới 2023. Ở các môn khác như: thể dục dụng cụ, judo, đấu kiếm cũng đang rất nỗ lực giành vé vượt qua vòng loại.

Hướng tới nâng tầm thể thao nước nhà

Hiện tại, thể thao Việt Nam chỉ có 4 suất dự Olympic của các VĐV: Nguyễn Thị Thật (môn xe đạp), Trịnh Thu Vinh (môn bắn súng), Nguyễn Huy Hoàng (môn bơi lội) và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng). So với các kỳ Olympic tham dự về trước (giành 12 – 15 suất dự Olympic Paris 2024). Đặc biệt, con số này thấp hơn nhiều so với Thái Lan (đã có 13 suất dự Olympic ở các môn boxing, xe đạp, 5 môn phối hợp hiện đại, đua thuyền, bắn súng và taekwondo), dự kiến từ nay đến khi Olympic Paris 2024 khởi tranh sẽ giành thêm 25-27 suất.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, chỉ tiêu tại Thế vận hội lần này là vấn đề đặt ra đối với những nhà hoạch định chính sách và quản lý, cùng với đó là việc vận hành các cơ sở tuyển chọn, đào tạo VĐV về hiệu quả của công tác tuyển chọn và đào tạo. Chia sẻ với truyền thông, Cục trưởng Cục TDTT (Bộ VHTT&DL) Đặng Hà Việt cho rằng, khi nhìn nhận thực tế và xét về mặt số học, rõ ràng dự báo số suất Olympic đi xuống cùng với công tác đầu tư, tuyển chọn chưa hiệu quả, ngành thể thao phải nhìn nhận để có sự thay đổi để phù hợp để đưa ra những chỉ tiêu cụ thể.

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các VĐV đỉnh cao, Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định số 322/QĐ-BVHTTDL về việc thực hiện chế dộ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự vòng loại Olympic Paris 2024. Cụ thể, quyết định thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV lần này dựa trên Điều 3, Thông tư 86/2020/TT-BTC ngày 26/10/2020 của Bộ Tài chính về quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao.

Theo đó, có 89 thành viên, trong đó có 63 VĐV của các đội tuyển gồm: Bơi, điền kinh, cầu lông, xe đạp, bắn súng, bắn cung, bóng bàn, quyền anh, taekwondo, judo, cử tạ, canoeing, rowing, thể dục dụng cụ được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù 640.000 đồng/người/ngày khi đang tập huấn tại các Trung tâm HLTTQG và Trường Đại học TDTT Bắc Ninh từ ngày 1/2/2024. Riêng 2 VĐV Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh cũng hưởng chế độ này từ ngày 22/2/2024 (do trước đó các VĐV tập luyện tại địa phương là TP Hồ Chí Minh và mới chính thức có lệnh triệu tập lên tuyển quốc gia từ ngày 22/2) đến ngày hoàn thành vòng loại Olympic Paris 2024. Chế độ này gấp đôi so với bình thường là 320.000 đồng/người/ngày.

Với chính sách đãi ngộ đưa ra đối với các HLV, VĐV trọng điểm của các bộ môn, cùng với việc “Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045” sẽ được ban hành, sự nỗ lực và quyết tâm của các bộ môn, thể thao Việt Nam kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu giành 12-15 suất tham dự Olympic 2024 cũng như việc nâng tầm thể thao nước nhà trên trường quốc tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật