Vì sao “MAI” cùng “ĐÀO, PHỞ VÀ PIANO” hút khán giả?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phim ’Mai’ của Trấn Thành lập kỷ lục doanh thu phòng vé, trong khi phim ’Đào, phở và piano’ cũng thu hút lượng lớn khán giả đến rạp thưởng thức
Vì sao “MAI” cùng “ĐÀO, PHỞ VÀ PIANO” hút khán giả?
Phim “Mai”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Dẫu chưa phải là tác phẩm xuất sắc, song cả 2 phim đều như tiếp thêm động lực cho nhà làm phim và cũng chứng tỏ sức mạnh tiềm ẩn của điện ảnh Việt.

Tạo được hiệu ứng truyền miệng

Theo thống kê từ trang Box Office Vietnam, tính đến ngày 1-3, phim "Mai" của Trấn Thành đã thu được hơn 499 tỉ đồng. Phim vượt tác phẩm "Nhà bà Nữ", cũng của Trấn Thành, dẫn đầu danh sách phim Việt doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh tính đến hiện tại. Chính thức ra rạp từ ngày 10-2 (mùng 1 Tết), đến nay phim vẫn đang dẫn đầu doanh thu phòng vé Việt hằng ngày dù suất chiếu đã giảm nhiều so với trước.

Phân tích về độ ăn khách của phim "Mai", nhiều ý kiến cho rằng yếu tố đầu tiên vẫn là thương hiệu Trấn Thành. Đây là tác phẩm thứ 3 Trấn Thành đạo diễn, sau tác phẩm "Bố già" đồng đạo diễn với Vũ Ngọc Đãng và "Nhà bà Nữ". Nhiều khán giả yêu thích hoặc không thích Trấn Thành vẫn tò mò muốn đi xem tác phẩm thứ 3 được kể như thế nào và liệu Trấn Thành có "hết phép" hay chưa? Từ sự tò mò ban đầu đến khi nhận thấy tác phẩm có sự đầu tư, câu chuyện được kể ổn, dàn diễn viên diễn xuất tốt thì tạo được hiệu ứng truyền miệng sau đó.

"Phim "Mai" là tác phẩm thứ 3 của Trấn Thành và anh cũng là một nghệ sĩ thông minh, chịu khó học hỏi, lắng nghe ý kiến khen chê và có sự điều chỉnh, lên tay so với 2 tác phẩm trước. Sau khi đến xem, nhận thấy câu chuyện được kể tốt, khán giả sẽ bàn tán, thảo luận nhiều trên mạng và tạo được độ lan tỏa cho tác phẩm, giúp phim gây sốt" - nhà phê bình phim Tuấn Nguyễn nhận định.

Những câu thoại đắt giá trong phim sau đó được cộng đồng mạng sử dụng nhiều trong các ngữ cảnh, câu chuyện khác nhau, giúp tăng độ lan tỏa. Thêm vào đó, các phim Việt ra rạp cùng thời điểm lần lượt rút khỏi đường đua, chỉ còn lại 2 tác phẩm là "Mai" và "Gặp lại chị bầu" của đạo diễn Nhất Trung cạnh tranh dịp Tết Nguyên đán càng giúp phim "Mai" rộng đường tăng doanh thu.

Tác phẩm do nhà nước đặt hàng là "Đào, phở và piano" lại là câu chuyện khác. Phim do đạo diễn - NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất, lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946 đầu năm 1947 ở Hà Nội. Tác phẩm từng đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 - 2023, ban đầu chỉ phát hành một vài suất chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia ở Hà Nội từ ngày 10-2.

Tuy nhiên, sau khi được một TikToker đăng video clip bình luận khen ngợi trên nền tảng mạng xã hội, phim nhanh chóng lan tỏa. Nhiều khán giả tìm đến xem khiến số suất chiếu tăng vọt và trước nhu cầu này, phim sau đó được phép chiếu ở TP HCM cùng nhiều tỉnh, thành khác trên toàn quốc thông qua hệ thống rạp Beta Cinemas, Cinestar và một số rạp khác.

Do phim bán vé trực tiếp tại quầy, không bán trực tuyến nên Box Office Vietnam không ghi nhận chính xác doanh số của tác phẩm này. Hiện tại, con số hiển thị doanh thu phim trên Box Office Vietnam là hơn 8 tỉ đồng và con số thực tế phải cao hơn nhiều bởi các suất chiếu của phim đa phần được lấp đầy. Khán giả vẫn xếp hàng mua vé ở nhiều nơi như Hà Nội, Đà Nẵng…

Động lực cho sự đổi thay

Theo chuyên viên truyền thông phim Châu Quang Phước, phim "Đào, phở và piano" thuộc dòng phim nhà nước đặt hàng, gây sốt dư luận truyền thông chính thống lẫn mạng xã hội là một hiện tượng hiếm. "Tôi nghĩ nên nhìn nhận hiện tượng này trong cục diện chung của tình hình phim chiếu rạp, vào thời điểm vừa bùng phát kiểu truyền thông "truyền miệng" với phim "Đào, phở và piano". Bởi tại thời điểm phim "Mai" đã gần như liên tục phủ sóng dư luận truyền thông khắp nước, đôi khi cũng khiến một bộ phận công chúng cảm thấy bị bội thực thông tin. Việc nhìn sang một phim khác để "đổi gió" cũng là tâm thế dễ có" - ông Phước lý giải.

Phim “Đào, phở và piano”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

"Phim "Đào, phở và piano" có dư luận truyền thông khởi phát từ phía Bắc. Khán giả phía Bắc luôn có tâm thức gần gũi, dễ đồng thuận lẫn ủng hộ khi tiếp nhận phim có bối cảnh và con người (nhân vật) phía Bắc, bên cạnh câu chuyện lịch sử mang tính đặc trưng của thủ đô Hà Nội một thời. Đó là tâm lý phổ quát của việc xem phim từ khán giả Việt lâu nay, ứng với từng vùng miền, như một tất yếu" - ông Phước phân tích.

Trong một góc nhìn khác, đạo diễn Mai Thế Hiệp cho hay: "Sự ăn khách của phim "Mai" cùng "Đào, phở và piano" cho thấy khán giả quan tâm phim Việt, muốn thưởng thức những tác phẩm chất lượng". Nhà phê bình phim Tuấn Nguyễn thì cho rằng phim "Đào, phở và piano" là một "cơn sốt" tự phát, mang tính nhất thời, chưa thể kết luận rằng nếu từ thành công của phim này, các nhà làm phim thương mại cũng đầu tư làm về đề tài lịch sử, chiến tranh thì sẽ thu hút được khán giả. Tuy nhiên, đây cũng là một tín hiệu lạc quan để những phim do nhà nước đặt hàng nếu được đầu tư tới nơi tới chốn thì hoàn toàn có thể nghĩ đến hướng ra rạp và mang về doanh thu, xóa đi định kiến phim làm ra chỉ để "cất kho".

Những người trong cuộc cho rằng việc 2 phim trên chiếm sóng truyền thông được xem như thắng lợi kép trong bối cảnh chung của thị trường điện ảnh Việt Nam, tạo động lực tích cực cho người làm nghề. Tuy nhiên, tín hiệu vui này có kéo dài hay không phải nhờ vào nỗ lực tạo ra sản phẩm chất lượng từ nhà làm phim thương mại và thay đổi cơ chế cho những phim do nhà nước đặt hàng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật